Bạn đầu tư chọn giống cây gì hiệu quả kinh tế nhất?

Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2012

Nếu những ai mới nhìn cây hông (Paulownia)


 05/10/2006
Nếu những ai mới nhìn cây hông (Paulownia) khi cây còn non tuổi và biết được tốc độ sinh trưởng của nó thường cho rằng gỗ cây hông giống như cây đa, không có giá trị kinh tế. Nhưng kỳ thực cây hông có nhiều ưu điểm mà các cây khác không dễ gì sánh được...
Cây hông là cây gỗ lớn, có tốc độ sinh trưởng nhanh. Từ lâu, nhiều quốc gia trên thế giới có điều kiện tự nhiên thích hợp với cây hông đã chọn cây hông làm cây lâm nghiệp và chú ý phát triển. Ở Việt Nam cây hông phân bổ trong rừng tự nhiên ở một số tỉnh phía Bắc giáp với biên giới Trung Quốc. Tuy nhiên, trước đây cây hông ít được ngành lâm nghiệp và bà con chú ý đến. Những năm gần đây khi có những công trình nghiên cứu cây hông của các nhà khoa học thì cây hông mới bắt đầu được quan tâm và trồng thử nghiệm ở một số địa phương.
Theo TS Thái Xuân Du (Viện Sinh thái nhiệt đới), người có nhiều năm nghiên cứu cây hông cho rằng, cây hông là “vua” của loài cây lâm nghiệp. Theo ông Du thì, cây hông có nhiều ưu điểm: dễ trồng, thích nghi ở nhiều loại đất, lớn rất nhanh (sau 6-7 năm trồng, cây cao hơn 10m, đường kính 35-40m), gỗ nhẹ, không bị mối mọt, ít bị biến dạng khi thời tiết thay đổi... Chính vì những ưu điểm đó, gỗ cây hông được dùng làm tàu thủy, báng súng, đồ trang trí nội thất và hàng thủ công mỹ nghệ... có giá trị kinh tế cao trên thị trường. Cũng không phải ngẫu nhiên, mới đây nhiều nhà khoa học có uy tín và một số doanh nghiệp quan tâm đến cây hông đã có mặt tại huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum để tham dự hội thảo mô hình trồng thử nghiệm cây hông trên địa bàn huyện (do Viện Sinh học nhiệt đới phối hợp với Trường Đại học Yersin Đà Lạt và UBND huyện tổ chức). 
Bằng những công trình nghiên cứu, các nhà khoa học cho rằng cây hông có thể trồng xen với nhiều loại cây trồng khác để tăng hiệu quả kinh tế. Cụ thể như cây hông có thể trồng xen với ngô, nho, lúa mì, bông vải... Đặc biệt, cây hông trồng xen với cây trà (chè) làm cho chất lượng trà ngon hơn. Ở tỉnh Kon Tum cây hông được đưa vào trồng chưa nhiều và còn ở dạng khảo nghiệm. Địa phương đầu tiên đưa cây hông vào trồng là huyện Đăk Hà. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Mai Văn Thạnh, năm 2001, UBND huyện cử các ngành chức năng đi tham quan, học tập kinh nghiệm trồng cây hông tại các tỉnh miền Đông Nam bộ và liên hệ với Viện Sinh học nhiệt đới mua 1.000 cây hông nuôi cấy mô đã hỗ trợ cho ông Nguyễn Văn Hạp (xã Đăk Mar) trồng thử nghiệm 2 ha. Qua theo dõi, cây hông sinh trưởng tốt. Năm 2002, UBND huyện tiếp tục đầu tư cho dân trồng 8ha cây hông xen canh trong vườn cà phê kém hiệu quả theo phương thức Nhà nước hỗ trợ giống, hộ nông dân trồng và lo các chi phí khác. Sau đó nhiều hộ nông dân nhận thấy cây hông sinh trưởng và phát triển nhanh, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương đã mạnh dạn tự bỏ vốn trồng thêm 22ha hông nữa (đến thời điểm này, huyện đã trồng được 32ha cây hông). Căn cứ vào quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hông do Viện Sinh học nhiệt đới chuyển giao, UBND huyện đã chỉ đạo Trạm Khuyến nông tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hông cho nông dân. Nhờ vậy, đến nay các vườn cây hông trên địa bàn đều sinh trưởng phát triển tốt.
Tại vườn cây hông của ông Nguyễn Văn Hạp, cây hông được trồng thuần trên đất bằng, diện tích 2ha với kích thước 5mx5m/cây- mật độ 400 cây/ha. Nhiều người đến đây tham quan ai nấy đều trầm trồ khen ngợi. Bình quân cây hông trong vườn này cao 7m, đường kính thân 0,27m, tỷ lệ cây sống 97%, khối lượng gỗ khoảng 133m3/ha. Vườn cây hông của ông Phạm Thanh Sơn (thôn 12, xã Đăk Hring) trồng năm 2002. Cây hông được ông Sơn trồng xen trong vườn cà phê trên đất dốc với kích thước 6mx3m/cây-mật độ 550 cây/ha. Đến nay bình quân cây cao 6m, đường kính 0,19m, tỷ lệ cây sống 95%, khối lượng khoảng 71m3 gỗ/ha.
Giá gỗ hông trên thị trường thế giới hiện nay khoảng 500-600 USD/m3. Như vậy, sau 5 năm trồng nếu hiện nay bán vườn cây hông thì ông Hạp thu được gần 160 triệu đồng/ha (trừ chi phí, lãi hơn 130 triệu đồng/ha); sau 4 năm trồng ông Sơn thu trên 85 triệu đồng/ha (trừ chi phí, lãi hơn 70 triệu đồng/ha), trong khi vườn cà phê của ông vẫn cho năng suất cao. Nếu khai thác đúng theo chu kỳ 6-7 năm thì sinh khối càng cao và lợi nhuận thu được sẽ cao hơn nữa. Còn nếu bán được theo giá thị trường thế giới 500-600 USD/m3 thì thu nhập trên một đơn vị diện tích từ cây hông sẽ rất cao, về giá trị ít có cây trồng nào so sánh kịp. Cây hông quả không hổ danh “vua” của loài cây lâm nghiệp.
Mô hình cây hông trên địa bàn huyện Đăk Hà được xem là thành công, được đánh giá cao và cần được nhân rộng. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra đòi hỏi huyện nên tính toán cho người nông dân phát triển trồng cây hông trên quỹ đất nào (nông nghiệp hay lâm nghiệp?), diện tích bao nhiêu là phù hợp cũng như việc tìm đầu ra cho cây hông phải tiếp tục cân nhắc thêm để người dân yên tâm sản xuất và làm giàu từ cây hông.
Bài và ảnh: Trần Văn Nhiên


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét